Chi trả dịch vụ hệ sinh thái” (Payments for Ecosystems Services - PES) hay còn gọi là chi trả dịch vụ môi trường (Payments for Environment Services - PES) được xem là cơ chế nhằm thúc đẩy việc tạo ra và sử dụng các dịch vụ sinh thái bằng cách kết nối người cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ hệ sinh thái. Bốn loại dịch vụ là bảo vệ đầu nguồn, bảo tồn đa dạng sinh học, du lịch sinh thái và hấp thụ cácbon bước đầu được thực hiện trong một số dự án nghiên cứu, đánh giá tiềm năng và thí điểm các mô hình PES ở Việt Nam.

Một số dự án chi trả dịch vụ hệ sinh thái ở Việt Nam

Bản chất của PES là tạo cơ chế khuyến khích và mang lại lợi ích cho cộng đồng cung cấp dịch vụ hệ sinh thái, nhằm tạo nguồn tài chính bền vững cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Về chính sách thí điểm PES rừng, PES đã và đang được triển khai thí điểm tại hai tỉnh Lâm Đồng và Sơn La với các loại dịch vụ: điều tiết nguồn nước; hạn chế xói mòn, bồi lấp; và cảnh quan du lịch.

Dự thảo Luật Đa dạng sinh học trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4, ngày 18-10-2008 có quy định về tài chính cho bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học đề cập đến các nguồn thu từ PES. Hiện tại, Quỹ Bảo tồn Hoang dã Thế giới (WWF) đang thực hiện một số dự án về các mô hình PES như bảo vệ đầu nguồn, bảo tồn đa dạng sinh học, và du lịch sinh thái.

Trên thực tế, chương trình bảo tồn đa dạng sinh học khu vực châu Á đánh giá cao tiềm năng và xây dựng mô hình thí điểm PES rừng ở ba tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai và Bình Phước. Những mô hình này được tổ chức thực hiện từ năm 2006-2009 trong các chương trình do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Tổ chức Winrock International, chương trình môi trường trọng điểm và Sáng kiến hành lang bảo tồn đa dạng sinh học, do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ từ năm 2006-2010. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng hỗ trợ một số hoạt động đánh giá và tìm cơ hội thị trường cho PES ở tỉnh Quảng Nam và Quảng Trị.

Ngoài ra, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) còn thực hiện dự án chi trả dịch vụ môi trường - ứng dụng tại khu vực ven biển. Dự án xây dựng cơ chế chi trả cho hấp thụ các-bon trong lâm nghiệp, thí điểm tại huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình do Trung tâm Nghiên cứu Sinh thái và Môi trường Rừng thực hiện.

Hiện tại, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đang đề xuất nghiên cứu đề tài khoa học công nghệ “Nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn và đề xuất cơ chế chi trả dịch vụ môi trường đất ngập nước ở Việt Nam”, với mục tiêu đề xuất cơ chế PES phù hợp với điều kiện Việt Nam, nhằm bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước.

Dịch vụ hệ sinh thái là những lợi ích (trực tiếp hoặc gián tiếp) mà con người hưởng thụ từ các chức năng của hệ sinh thái. Chi trả dịch vụ hệ sinh thái là công cụ kinh tế, sử dụng để những người được hưởng lợi từ các dịch vụ hệ sinh thái chi trả cho những người tham gia duy trì, bảo vệ và phát triển các chức năng của hệ sinh thái đó. Thí dụ, rừng đầu nguồn có tác dụng giữ nước, duy trì chất lượng nước, chống sạt lở đất và lũ lụt cho hạ lưu, v.v… Vì vậy, những người được hưởng lợi ở hạ lưu cần chi trả một khoản tương xứng cho những người trực tiếp tham gia duy trì và bảo vệ các chức năng của rừng đầu nguồn.

Chi trả dịch vụ hệ sinh thái trên thế giới

Mặc dù PES là một khái niệm mới, được đưa vào tư duy và thực tiễn bảo tồn gần một thập kỷ trở lại đây, tuy nhiên, nó đã nhanh chóng trở nên phổ biến ở một số nước. Sự phát triển của PES ngày càng được lan rộng và ở một số nước PES còn được thể chế hoá trong các văn bản pháp luật. Hiện nay, PES đã nổi lên như một giải pháp chính sách để khuyến khích, chia sẻ các lợi ích trong cộng đồng và xã hội.

Các nước phát triển ở Mỹ La Tinh đã sử dụng các mô hình PES sớm nhất. Ở châu Âu, Chính phủ một số nước cũng đã quan tâm đầu tư và thực hiện nhiều chương trình, mô hình PES. Ở châu Úc, Australia đã luật pháp hoá quyền phát thải cácbon từ năm 1998, cho phép các nhà đầu tư đăng ký quyền sở hữu hấp thụ cácbon của rừng. PES cũng đã được phát triển và thực hiện thí điểm tại châu Á như Indonesia, Philippines, Trung Quốc, Ấn Độ, Nepal và Việt Nam. Đặc biệt là Indonesia và Philippines đã có nhiều nghiên cứu điển hình về PES đối với quản lý lưu vực đầu nguồn.

Cho đến nay, hàng trăm sáng kiến mới về PES đã được xây dựng trên khắp toàn cầu. Costa Rica, Mexico và Trung Quốc đã xây dựng các chương trình PES quy mô lớn, chi trả trực tiếp cho các chủ đất để thực hiện các biện pháp sử dụng đất nhằm tăng cường cung cấp các dịch vụ thuỷ văn, bảo tồn đa dạng sinh học, chống xói mòn, hấp thụ cácbon và vẻ đẹp cảnh quan.

Từ các mô hình PES ở các nước cho thấy, quản lý và bảo vệ đầu nguồn đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý và bảo vệ tài nguyên và đa dạng sinh học. Dịch vụ bảo vệ đầu nguồn được hầu hết các nước thí điểm áp dụng, nhằm tạo nguồn tài chính bền vững và chia sẻ lợi ích cho cộng đồng trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học.

Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Từ việc nghiên cứu, đánh giá các mô hình PES thành công ở các nước, trong giai đoạn đầu xây dựng và thí điểm PES, Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết các mô hình PES, thể hiện bằng việc xây dựng khung pháp luật và chính sách; hỗ trợ kỹ thuật và tài chính thông qua các chương trình tổng hợp; xúc tác cho các quá trình liên quan đến thực thi chính sách; và giám sát quá trình giao dịch các tín chỉ của dịch vụ hệ sinh thái. Chính sách PES đối với lưu vực sông được coi là đòn bẩy để quản lý rừng bền vững.

Quản lý lưu vực sông, quản lý rừng đầu nguồn đóng vai trò quan trọng để bảo vệ tài nguyên và đa dạng sinh học. Hoa Kỳ đã xây dựng chính sách quản lý lưu vực sông theo cách quản lý tổng hợp đa ngành, đa mục tiêu trên nền tảng bảo tồn hệ sinh thái.

Vấn đề quy hoạch sử dụng đất và xác định các hệ sinh thái trong lưu vực sông được quan tâm hàng đầu, vì đây là công cụ để giúp xác định được các mục tiêu cho quản lý và xác định các dịch vụ của hệ sinh thái, dịch vụ nào là cốt yếu. Đồng thời, xác định các đối tác cung cấp và sử dụng dịch vụ.

Để khiển khai các mô hình PES, nhiều nước đã luật hoá các quy định liên quan đến PES, hoặc thông qua việc thành lập các quỹ; xây dựng các chính sách hỗ trợ PES, đồng thời đầu tư cho các chương trình điều tra, nghiên cứu về sinh thái, lượng giá kinh tế các dịch vụ hệ sinh thái, v.v…

Các chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan như lâm nghiệp, sinh thái, môi trường, kinh tế, v.v… cùng phối hợp chặt chẽ để xây dựng phương pháp định giá, lượng giá kinh tế các dịch vụ hệ sinh thái, lựa chọn các công cụ kinh tế và đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách chi trả hợp lý.

Cơ chế, chính sách chi trả phải được xây dựng bảo đảm bù đắp được các chi phí cơ hội và mang lại lợi ích cho toàn cộng đồng và phải tạo được lòng tin để họ cung cấp các dịch vụ lâu dài.

Ở Việt Nam, đất đai và tài nguyên thiên nhiên nói chung thuộc sở hữu toàn dân - do Nhà nước quản lý, vì vậy để thực hiện PES thì phải thực hiện giao “quyền sử dụng đất và rừng” cho dân tức là giao đất, giao và khoán rừng cho dân, để dân có tư liệu sản xuất nhằm tạo và cung cấp các dịch vụ cho cộng đồng.

Cộng đồng nhận thức và đánh giá cao về vai trò và lợi ích của PES đối với công cuộc bảo tồn đa dạng sinh học. Vì vậy, vai trò của cộng đồng rất quan trọng. Nếu được sự đồng tình, họ sẽ ủng hộ, hỗ trợ và tham gia tự nguyện vào các hoạt động PES.

Một số đề xuất về chi trả dịch vụ hệ sinh thái ở Việt Nam

Việt Nam có nhiều sông, núi cao có độ dốc lớn, rừng đầu nguồn lại bị suy giảm, nhân dân vùng đầu nguồn phần lớn là những người nghèo. Việt Nam thường xuyên xảy ra nhiều trận lũ, lụt lớn, tàn phá thiên nhiên, gây thiệt hại nặng nề đến tính mạng và tài sản của nhân dân. Bên cạnh đó, việc quản lý lưu vực sông của nước ta còn nhiều bất cập, cần được điều chỉnh. Vì vậy, việc nghiên cứu, thực hiện chính sách PES ở Việt Nam là rất cần thiết và cấp bách, nhằm tạo thêm nguồn tài chính hỗ trợ công tác bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần thúc đẩy kinh tế hoá tài nguyên và môi trường.

Dự thảo Luật Đa dạng sinh học đã đề cập đến các nguồn thu từ PES. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 380/TTg ngày 10 tháng 4 năm 2008 về chính sách thí điểm PES rừng. Tuy nhiên, ngoài hệ sinh thái rừng, tiềm năng về PES ở Việt Nam còn có các hệ sinh thái đất ngập nước, biển, núi đá vôi, v.v… đây là vấn đề liên ngành, vì vậy, cần có khung quốc gia về PES để bảo đảm điều phối và tránh các xung đột. Ngoài ra, Chính phủ cần hướng dẫn chi tiết cơ chế PES.

Cần sớm quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học theo Dự thảo Luật Đa dạng sinh học; xác định các vùng sinh thái có tiềm năng PES, xác định các dịch vụ của hệ sinh thái, đồng thời, xác định các đối tác cung cấp và sử dụng dịch vụ của các hệ sinh thái đó.

Quản lý lưu vực sông đóng vai trò rất quan trọng trong bảo tồn đa dạng sinh học, vì vậy, phải tiếp cận theo cách quản lý tổng hợp, đa ngành, đa mục tiêu: quản lý bảo vệ rừng, quản lý sử dụng đất và các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong phạm vi lưu vực sông nhằm đạt hiệu quả cao nhất về phòng hộ lưu vực, bảo vệ và cải thiện cuộc sống của nhân dân, phát triển các dịch vụ kinh tế và bảo tồn đa dạng sinh học.

Chính phủ cần ưu tiên đầu tư xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu và triển khai PES; xây dựng năng lực và tạo nguồn hỗ trợ kỹ thuật từ trong và ngoài nước. Hỗ trợ ban đầu là cần thiết để tạo sự chuyển biến về các phương thức sử dụng đất trong quy hoạch.

PES là khái niệm tương đối mới ở Việt Nam, vì vậy, cần giáo dục, tập huấn nâng cao nhận thức cho cộng đồng và thu hút sự tham gia tích cực của cộng đồng vì đây là chìa khoá của sự thành công.

Nguồn: http://www.agenda21.monre.gov.vn

(Theo: mtcongnghiepxanh.com)