Hiện nay chúng ta đang sống trong một thế giới có nhiều biến đổi lớn: khí hậu biến đổi, nhiệt độ quả đất đang nóng lên, mực nước biển đang dâng lên, dân số tăng nhanh, sự xâm nhập của các loài ngoại lai ngày càng nhiều, các sinh cảnh đang bị co hẹp lại và phân cách nhau, tốc độ mất mát các loài ngày càng gia tăng, sức ép của công nghiệp hoá và thương mại toàn cầu ngày càng lớn, trao đổi thông tin ngày càng rộng rãi, nhanh chóng, thuận lợi. Tất cả những thay đổi đó đang ảnh hưởng lớn đến công cuộc phát triển của tất cả các nước trên thế giới và cả nước ta, trong đó có việc làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và ô nhiễm môi trường.
Biến đổi toàn cầu gồm có nhiều lĩnh vực: lý sinh học, khí hậu, kinh tế, xã hội, dân số, thể chế, thông tin, văn hoá, v.v… ? đây tôi muốn nói về một số khía cạnh của biến đổi toàn cầu mà phần chính là do các hoạt động của con người gây ra và có liên quan nhiều đến môi trường thiên nhiên và nguồn tài nguyên thiên nhiên mà chúng ta đang khai thác để tồn tại và phát triển.
Tài nguyên thiên nhiên trong đó có nguồn tài nguyên sinh học hay nói một cách tổng thể hơn là đa dạng sinh học là cơ sở của sự sống còn và phát triển của các dân tộc, dù ở thời đại nào hay ở địa phương nào trên thế giới. Biến đổi toàn cầu đang có xu hướng ảnh hưởng xấu đến các dạng tài nguyên thiên nhiên, giảm sút chất lượng môi trường ngày càng rõ ràng ở khắp mọi nơi. Để phát triển bền vững, có lẽ chúng ta cần phải lưu ý hơn nữa đến vấn đề biến đổi toàn cầu, nhất là biến đổi khí hậu toàn cầu, phải xem tác động của biến đổi toàn cầu là một nhân tố quan trọng trong sự phát triển để có những biện pháp kịp thời làm giảm bớt những tổn thất gây ra do những tác nhân mà nhiều nhà khoa học đã tin rằng đó là hậu quả của biến đổi toàn cầu mà không thể ngăn chặn ngay được.
Sự biến đổi toàn cầu ảnh hưởng đến các dạng tài nguyên thiên nhiên có thể là: Thay đổi lý sinh học: Con người đã làm thay đổi một cách cơ bản Trái đất bằng các hoạt động của mình:
- Làm cho các hệ sinh thái và sinh cảnh bị biến đổi và phân mảnh. Loài người đã làm thay đổi các hệ sinh thái một cách hết sức nhanh chóng trong khoảng 50 năm qua, nhanh hơn bất kỳ thời kỳ nào trước đây. Diện tích các vùng hoang dã đã được chuyển đổi thành đất nông nghiệp, chỉ tính riêng từ năm 1945 đến nay đã lớn hơn cả trong thế kỷ thứ 18 và 19 cộng lại. Tất cả những điều đó đã gây nên những sự mất mát về đa dạng sinh học trên thế giới một cách nghiêm trọng không thể nào đảo ngược được, trong đó có khoảng 10 đến 30% số loài chim, thú và bò sát hiện đang có nguy cơ bị tiêu diệt.
Các chuyên gia cũng cảnh báo rằng sự biến đôi khí hậu, biến đổi của các hệ sinh thái, như suy thoái rừng, sẽ gây thêm bệnh tật cho con người, như bệnh sốt rét, bệnh tả, và cả nguy cơ bùng nổ của nhiều bệnh mới. Bảo vệ rừng không chỉ có ý nghĩa bảo tồn đa dạng sinh học mà còn để cung cấp nước ngọt và giảm bớt khí CO2 phát thải. (Chương trình Đánh giá thiên niên kỷ về hệ sinh thái, Millenium Ecosystem Assessment (MA) Synthesis Report, 2005).
- Thay đổi chu trình thuỷ văn. Các hoạt động của con người đã làm giảm sút một cách đáng kể số lượng và chất lượng nguồn nước ngọt của thế giới. Các hoạt động thiếu quy hoạch hợp lý như ngăn sông, đắp đập, chuyển đổi đất ngập nước, mất rừng, gây ô nhiễm, đồng thời nhu cầu ngày càng tăng nhanh và nhiều của con người về nguồn nước ngọt đã làm thay đổi các dòng nước tự nhiên, thay đổi quá trình lắng đọng và làm giảm chất lượng nước. Tất cả những điều đó đều tác động tiêu cực lên sự phát triển, làm suy giảm đa dạng sinh học, lên chức năng của các hệ thống thuỷ vực trên thế giới.
- Sự xâm nhập của các loài ngoại lai đang tăng lên với tốc độ đáng lo ngại do tăng nhanh các hoạt động buôn bán hàng hoá và các loài sinh vật một cách rộng rãi trên thế giới. Sự xâm nhập của các loài ngoại lai (như ốc bươu vàng hay cây mai dương ở nước ta) hiện đang là mối đe dọa lớn nhất lên tính ổn định và đa dạng của các hệ sinh thái, chỉ sau nguy cơ mất sinh cảnh. Các đảo nhỏ và các hệ sinh thái thuỷ vực nước ngọt là những nơi bị tác động nhiều nhất.
- Mất đa dạng sinh học ngày nay đang diễn ra một cách nhanh chóng chưa từng có, kể từ thời kỳ các loài khủng long bị tiêu diệt cách đây khoảng 65 triệu năm và tốc độ biến mất của các loài hiện nay ước tính gấp khoảng 100 lần so với tốc độ mất các loài trong lịch sử Trái đất, và trong những thập kỷ sắp tới mức độ biến mất của các loài sẽ gấp 1.000 - 10.000 lần (MA 2005). Có khoảng 10% các loài đã biết được trên thế giới đang cần phải có những biện pháp bảo vệ, trong đó có khoảng 16.000 loài được xem là đang có nguy cơ bị tiêu diệt. Trong số các loài thuộc các nhóm động vật có xương sống chính đã được nghiên cứu khá kỹ, có hơn 30% các loài ếch nhái, 23% các loài thú và 12% các loài chim (IUCN 2005), nhưng thực tế số loài đang nguy cấp lớn hơn rất nhiều.
Tình trạng nguy cấp của các loài không phân bố đều giữa các vùng trên thế giới. Các vùng rừng ẩm nhiết đới có số loài nguy cấp nhiều nhất, trong đo có nước ta, rồi đến các vùng rừng khô nhiệt đới, vùng đồng cỏ miền núi. Sự phân bố của các loài nguy cấp nước ngọt chưa được nghiên cứu kỹ, nhưng kết quả nghiên cứu ở một số vùng cho biết rằng các loài ở nước ngọt nhìn chung có nguy cơ bị tiêu diệt cao hơn rất nhiều so với các loài ở trên đất liền (Smith và Darwall 2006, Stein và cs. 2000). Nghề khai thác thuỷ sản đã bị suy thoái nghiêm trọng, và đã có đến 75% ngư trường trên thế giới đã bị khai thác cạn kiệt hay khai thác quá mức (GEO 4, 2007).
Nguyên nhân mất mát đa dạng sinh học chính là mất nơi sinh sống và nơi sinh sống bị phân cách; khai thác quá mức các loài hoang dã; xâm nhập của các loài ngoại lai; ô nhiễm; và thay đổi khí hậu toàn cầu hiện nay được xem là một nguyên nhân nghiêm trọng chưa thể lường trước được. Sự giảm bớt số các loài được nuôi trồng, đồng thời đã làm giảm nguồn gen trong nông nghiệp, lâm nghiệp và chăn nuôi.
Ước tính đã có khoảng 60% khả năng dịch vụ cho sự sống trên Trái đất của các hệ sinh thái – như nguồn nước ngọt, nguồn cá, điều chỉnh không khí và nước, điều chỉnh khí hậu vùng, điều chỉnh các thiên tai và dịch bệnh tự nhiên đã bị suy thoái hay sử dụng một cách không bền vững. Các nhà khoa học cũng đã cảnh báo rằng tác động tiêu cực của những suy thoái nói trên sẽ phát triển nhanh chóng trong khoảng 50 năm sắp tới. (Hans van Ginkel, 2005).
Biến đổi khí hậu toàn cầu : Ngoài những những biến đổi lý sinh học nói trên, hiện nay chúng ta còn đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề bức xúc gây ra do khí hậu của Trái đất đang tăng lên một cách đột ngột do sự thay đổi thành phần hoá học của khí quyển, trong tình trạng mất mát đa dạng sinh học và suy thoái các hệ sinh thái như báo cáo của Ban liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) 2001, 2007 và MA, 2005 đã nêu lên.
Mối quan hệ giữa đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu toàn cầu
Như chúng ta đã biết, khí hậu của Trái đất không bao giờ hoàn toàn ổn định và không thay đổi. Tuy nhiên, sự biến đổi khí hậu ngày nay hết sức khác thường và diễn ra với tốc độ quá nhanh chóng. Hơn nữa hầu hết các nhà khoa học đã thống nhất cho rằng sự biến đổi ngày nay phần chính là do hoạt động của con người, chủ yếu là đốt quá nhiều nhiên liệu hoá thạch và phá rừng. Bằng cách đốt nhiên liệu hoá thạch mà loài người đã chuyển một lượng lớn các bon đã được tích luỹ qua hàng triệu năm trong thạch quyển vào khí quyển. Nguồn nhiên liệu hoá thạch đó được hình thành từ các chất hữu cơ (chủ yếu là các loài dương xỉ) rất phát triển tại các vùng đầm lầy và vùng biển vào kỉ Cacbon để tào thành than đá, dầu và khí thiên nhiên. Dòng các bon từ kho tích luỹ thạch quyển chuyển vào khí quyển thành lượng khí CO2 rất lớn là nguyên nhân chính (thành phần chính của khí nhà kính) làm cho khí hậu toàn cầu ấm lên một cách nhanh chóng. Sự biến đổi khí hậu toàn cầu đã tác động xấu lên các hệ sinh thái, lên sự phát triển của các loài và lên cuộc sống của hàng tỷ người trên Trái đất, trong đó có nhân dân Việt Nam. Thực ra, sự biến đổi khí hậu đã bắt đầu từ lâu, nhưng từ cuối thế kỷ thứ 18, sự nhiễu loạn các hệ tự nhiên của Trái đất, được khảng định phần lớn là do hoạt động của con người, đã tạo nên một kỷ nguyên mới, mà tiến sĩ Crutzen P.J. , giải thưởng Nobel về hóa học 1995 đã gọi là “Kỷ nguyên con người” (Crutzen, P.J. 2002).
Để thấy rõ tầm quan trọng của vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu tôi xin được nêu lên một số ý kiến mà hơn 20 nhà khoa học hàng đầu của thế giới về môi trường tham gia Hội thảo quốc tế GEA 05 (Global Environmental Action) về Biến đổi Khí hậu toàn cầu và Tác động của nó đến Phát triển Bền vững, tổ chức trong hai ngày 15 - 16 tháng 10, 2005 tại Tokyo, đã nêu lên, mà tôi có vinh dự được tham gia với tư cách là đại diện cho các nước đang phát triển.
Do hệ thống khí hậu trên thế giới hết sức phức tạp, nhiều chi tiết và tính chất của biến đổi chưa được rõ ràng và cần nghiên cứu thêm, nhưng hầu hết các nhà khoa học đã khảng định là khí nhà kính phát thải vào khí quyển do hoạt động của con người đã làm cho khí hậu quả đất nóng lên. Hội thảo đã đồng tình với báo cáo của IPCC 2001 là “sự tăng nhiệt độ Trái đất quan sát được trong 50 năm qua là một bằng chứng mới lạ, được khảng định là do ảnh hưởng của các hoạt động của con người” và cho rằng các hiện tượng bất thường về khí hậu sẽ tăng về tần số, cường độ và thời gian, như số ngày nóng sẽ nhiều hơn, nhiều đợt nắng nóng hơn, các đợt mưa to sẽ nhiều hơn, số ngày lạnh sẽ ít hơn trong những năm sắp tới. Báo cáo của IPCC 2007 cũng đã khảng định tình hình đó. Mặc dầu đã có sự khảng định của cộng đồng các nhà khoa học trên thế giới, nhưng rất tiếc còn có nhiều người, mà trước tiên là những người không làm khoa học (nonscientists) đã không để ý đến hay phản đối các kết luận trên, trong đó có nhiều người Mỹ (Jay Withgott, Scott Brennan 2006).
Chúng ta cũng đã nhận thấy rằng hậu quả do thay đổi khí hậu gây ra sẽ không đồng đều trên thế giới: nghiêm trọng ở các vùng có vĩ độ cao, và ít hơn tại các vùng khác. Mức độ thay đổi khí hậu cũng sẽ tuỳ thuộc vào từng vùng khác nhau, tuy nhiên tất cả các vùng trên thế giới đều có thể bị tác động nhiều hay ít, nhưng hậu quả lớn nhất sẽ là ở các vùng nhiệt đới, nhất là tại các nước đang phát triển công nghiệp nhanh ở châu Á (Crutzen P.J., 2005). Thiên tai trong những năm qua đã xẩy ra tại nhiều nước trên thế giới, nhưng ở đâu, những người nghèo và nước nghèo cũng phải chịu đau khổ nhiều nhất.
Tác động của biến đổi khí hậu lên đa dạng sinh học
Trong thiên nhiên, đa dạng sinh học, nhất là các hệ sinh thái rừng là nơi chính tích luỹ trở lại nguồn khí CO2 phát thải ra để tạo thành chất hữu cơ. Trong lúc đó, chúng ta lại đã và đang chặt phá rừng để làm nông nghiệp, chăn nuôi, xây dựng nhà cữa, thành phố. Sự tàn phá rừng đã làm giảm bớt khả năng hấp thụ CO2 và gián tiếp tăng thêm khí CO2 vào khí quyển, góp phần làm cho biến đổi khí hậu toàn cầu tăng nhanh. Như vậy, sự giảm sút đa dạng sinh học nhất là giảm sút diện tích rừng đã thúc đẩy sự gia tăng biến đổi khí hậu toàn cầu, nhưng ngược lại sự nóng lên toàn cầu cũng đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển và tồn tại của các loài sinh vật và đa dạng sinh học.
Ngoài những tư liệu về sự thay đổi nồng độ khí nhà kính trong khí quyển, Báo cáo IPCC 2001 cũng đã trình bày những kết quả nghiên cứu tại sao nhiệt độ mặt đất thay đổi đã ảnh hưởng đến khí hậu, các đặc điểm vật lý và diễn thế của các đặc điểm đó của Trái đất, đến nơi sống của các loài sinh vật, và đến sự phát triên kinh tế của chúng ta. Báo cáo cũng đã đưa ra kết luận là nhiệt độ mặt đất trong thế kỷ 20 đã tăng lên trung bình 0,6 độ C làm cho nhiều vùng băng hà, diện tích phủ tuyết, nhiều vùng băng vĩnh cửu đã bị nóng chảy làm cho mức nước biển dâng lên. Các nhà khoa học cũng đã phát hiện thấy hàng trăm loài thực vật và động vật đã buộc phải thay đổi vùng phân bố và thời gian của chu kỳ sống của chúng để thích ứng với sự biến đổi khí hậu. Những phát hiện này và một số phát hiện khác nữa đã được rút ra từ kết quả của hàng nghìn công trình nghiên của nhiều chuyên gia hàng đầu về các lĩnh vực có liên quan, trong nhiều năm và trên nhiều vùng khác nhau trên thế giới. Sau đây là một số kết luận chính:
+ Vùng phân bố của nhiều loài cây, côn trùng, chim và cá đã chuyển dịch lên phía bắc và lên vùng cao hơn;
+ Nhiều loài thực vật nở hoa sớm hơn, nhiều loài chim đã bắt đầu mùa di cư sớm hơn, nhiều loài động vật đã vào mùa sinh sản sớm hơn, nhiều loài côn trùng đã xuất hiện sớm hơn ở Bắc bác cầu.
+ San hô bị chết trắng ngày càng nhiều.
Chúng ta cũng đã biết rằng các loài sinh vật, muốn phát triển một cách bình thường cần phải có một môi trường sống phù hợp, trong một sinh cảnh tương đối ổn định: về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, đất đai, thức ăn, nguồn nước, v.v... và cộng đồng các loài sinh vật trong sinh cảnh đó. Chỉ một trong những yếu tố trên của môi trường sống bị biến đổi, sự phát triển của loài sinh vật đó sẽ bị ảnh hưởng nặng hay nhẹ, thậm chí có thể làm cho loài đó bị diệt vong, tùy thuộc vào mức độ biến đổi nhiều hay ít.
Theo dự báo thì rồi đây, nếu không có biện pháp hữu hiệu để giảm bớt khí thải nhà kính, nhiệt độ mặt đất sẽ tăng lên 1,8 độ C đến 6,4 độ C vào năm 2100, lượng mưa sẽ tăng lên 5-10%, băng ở hai cực và các núi cao sẽ tan rã nhiều hơn, và do nhiệt độ nước biển ấm lên, rồi bị dãn nở mà mức nước biển sẽ dâng lên khoảng 70-100 cm và tất nhiên nhiều biến đổi về khí hậu, thiên tai theo đó sẽ diễn ra với mức độ khó lường trước được cả về tần số và mức độ. Nước biển dâng lên nhiều hay ít, còn tuỳ thuộc vào điều kiện của từng vùng, sẽ gây nên xói mòn bờ biển, ngập lụt vùng ven bờ, làm suy thoái đất ngập nước, nước mặn xâm nhập giết chết các loài thực vật. Tại những vùng mà biến đổi khí hậu làm tăng cường độ mưa thì các dòng nước mưa sẽ làm tăng xói mòn đất, lũ lụt, sụt lở đất, và có thể gây ảnh hưởng đến cấu trúc và chức năng của các thuỷ vực, làm ô nhiễm nguồn nước. Tất cả những hiện tượng đó đều ảnh hưởng đến các loài sinh vật và tài nguyên sinh vật, làm cho nhiều hệ sinh thái bị suy thoái, gây khó khăn cho sự phát triển kinh tế và xã hội, nhất là tại các nước nghèo mà cuộc sống đa số người dân còn phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên.
Hiện nay chưa có nhiều nghiên cứu về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lên đa dạng sinh học. Tuy nhiệt độ trái đất trong thời gian qua chỉ mới tăng lên trung bình khoảng 1 độ C, nhưng do phân bố nhiệt độ lại không đều theo thời gian và không gian, có vùng nóng lên rất cao, có thể cao hơn 10 độ, nhưng có vùng nhiệt độ lại thấp hơn mức bình thường. Hiện cũng chưa có thống kê có bao nhiêu loài đã bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu toàn cầu gây ra. Cũng phải nói thêm rằng, riêng nhiệt độ mặt đất tăng hay giảm, hay mức nước biển dâng lên có thể ảnh hưởng đến sự sống của các sinh vật, nhưng tác nhân chính của sự biến đổi khí hậu là sự tích hợp của nhiều nhân tố về môi trường do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu gây ra cùng một lúc tác động lên sinh vật như hạn hán, thiều thức ăn, ô nhiễm nước, bệnh tật và nơi sống không ổn định, bị suy thoái v.v... Riêng về sức khoẻ con người thì những đợt nóng xẩy ra vào tháng tám năm 2003 ở châu Âu đã gây tử vong đến 35 000 người đã nói lên tầm quan trọng của vấn đề. Hơn một tháng rét bất thường ở bắc Việt Nam vừa qua, cũng có thể là hậu quả của nóng lên toàn cầu, đã làm chết hơn 53 000 gia súc, nhiều đầm cá, tôm bị chết, đó là chưa nói đến thiệt hại về lúa, các hoa màu khác và các cây con hoang dã ở các vùng cao bị băng giá trong nhiều ngày liền, liệu còn khả năng sống sót không, hiện chưa biết.
Biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học Việt Nam
Việt nam được xem là một trong những nước sẽ bị ảnh hưởng nặng do biến đổi khí hậu toàn cầu. Trong những năm qua, hậu quả nặng nề mà đất nước ta phải đối mặt với bão lụt, hạn hán, và hiện nay là hậu quả do rét đậm rét hai kéo dài 38 ngày chưa từng có trong lịch sử, cũng có thể là do biến đổi khí hậu toàn cầu gây ra. Hậu quả do biến đổi khí hậu toàn cầu gây ra cho đất nước ta và nhân dân ta ngày càng rõ ràng, trong đó có cả tác động lên đa dạng sinh học, nguồn tài nguyên quý giá của đất nước ta, nhưng chúng ta cũng chưa có nghiên cứu về lĩnh vực này một cách nghiêm túc. Rồi đây nhiệt độ mặt đất sẽ tiếp tục nóng thêm, mực nước biển cũng sẽ cao hơn. Dựa vào một số nghiên cứu đã thực hiện trên thế giới như ở quần đảo Maldavies, ở Banglades và một số vùng khác, kết hợp với điều kiện tự nhiên của đất nước Việt Nam, chúng ta có thể dự kiến hậu quả của biến đổi khí hậu sẽ tác động mạnh lên hai vùng đồng bằng lớn là đồng bằng Sông Cửu Long và đồng bằng Sông Hồng, các vùng dọc bờ biển và các hệ sinh thái rừng cả nước.
+ Hai vùng đồng bằng và ven biển nước ta, trong đó có rừng ngập mặn và hệ thống đất ngập nước rất giàu có về các loài sinh vật là những hệ sinh thái rất nhạy cảm, dễ bị tổn thương. 1) Mức nước biển dâng lên cùng với cường độ của bão tố, thay đổi thành phần của trầm tích, độ mặn và mức độ ô nhiễm của nước sẽ đe dọa đến sự suy thoái và sống còn của rừng ngập mặn và các loài sinh vật rất đa dạng trong đó. 2) Khi mức nước biển dâng lên cao, khoảng một nửa trong số 68 khu đất ngập nước có tầm quan trọng mức quốc gia, sẽ bị ảnh hưởng nặng; nước mặn sẽ xâm nhập sâu và nội địa, giết chết nhiều loài động và thực vật nước ngọt của hệ sinh thái quan trong này và ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt cho sinh hoạt và hệ thống trồng trọt của nhiều vùng. 3) 36 khu bảo tồn, trong đó có 8 vườn quốc gia, 11 khu dự trữ thiên nhiên sẽ nằm trong khu vực bị ngập (theo kết quả đánh giá của ICEM).
+ Hệ sinh thái biển sẽ bị tổn thương. Các rặng san hô là nơi sinh sống của nhiều loài hải sản quan trọng và nhiều loài sinh vật biển khác, là lá chắn chống xói mòn bờ biển và bảo vệ rừng ngập mặn, sẽ bị suy thoái do nhiệt độ nước biển tăng và đồng thời mưa nhiều làm cho nước bị ô nhiễm phù sa và có thể cả các hoá chất nông nghiệp nữa từ cửa sông đổ ra.
+ Nước ta có đa dạng sinh học cao, nhưng đang bị suy thoái nghiêm trọng do nhiều nguyên nhân khác nhau. Biến đổi khí hậu, cùng với các hệ quả của nó như lũ lụt, hạn hán, cháy rừng, xói mòn và sụt lở đất sẽ thúc đẩy cho sự suy thoái đa dạng sinh học nhanh hơn, trầm trong hơn, nhất là những hệ sinh thái rừng nhiệt đới không còn nguyên vẹn và các loài đang nguy cấp với số lượng cá thể ít.
Chúng ta nên làm gì để đáp ứng biến đổi khí hậu toàn cầu
Thủ tướng Chính phủ đã cho ban hành Chương trình nghị sự 21 về Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Số 153/2004/QĐ-TTg ngày 17/8/2004). Trong phần 4: Những lĩnh vực sử dụng Tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và kiểm soát ô nhiễm cần ưu tiên nhằm phát triển bền vững đã có mục IX. : Thực hiện các biện pháp làm giảm nhẹ biến đổi khí hậu toàn cầu và hạn chế những ảnh hưởng có hại của biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai.
Tác động của biến đổi khí hậu trong những năm qua không loại trừ đất nước nào, dầu cho nước đó không góp nhiều vào nguyên nhân gây nên biến đổi khí hậu bằng các nước khác. Riêng nước ta, trong những năm gần đây hạn hán, mưa lũ, sụt lở đất, lũ quét dồn dập xẫy ra, nhất là năm nay (2007) đã gây thiệt hại rất nặng nề về nhân mạng, nhà cữa, đê mương, đường sá và nhiều cơ sở hạ tầng khác, ruộng vườn và hoa màu, gia súc và thuỷ sản ở nhiều tỉnh đồng bằng và miền núi của cả nước, cũng có phần tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Như đã cảnh báo, rồi đây chắc chắn rằng hậu quả của biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ còn lớn hơn, nhiều hơn, nặng nề hơn mà chúng ta không thể tránh khỏi và hậu quả sẽ khó lường trước được. Điều có thể dự kiến trước đối với đất nước chúng ta là mưa sẽ nhiều hơn, lũ lụt, xói mòn, sụt lở đất, lũ quét, cháy rừng, hạn hán sẽ xẩy ra thường xuyên hơn (do rừng bị tàn phá quá nhiều), bão cũng sẽ mạnh hơn. Chúng ta đã và đang có nhiều cố gắng để thực hiện những biện pháp để làm giảm nhẹ ảnh hưởng của các loại thiên tai, cả bằng khoa học kỷ thuật và các biện pháp xã hội. Nhưng những biện pháp của chúng ta đề ra chỉ mới dừng lại tại mức độ thiên tai cao nhất, hay hơn chút ít mà nước chúng ta đã trải qua trong lịch sử. Thách thức lớn nhất của chúng ta hiện nay là chưa có chiến lược, chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển phù hợp với sự tiến triển hết sức khẩn trương của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Hậu quả về biến đổi khí hậu toàn cầu rồi đây sẽ lớn hơn nhiều và sẽ có nhiều thiên tai bất thường xẩy ra, mà chúng ta chưa lường trước được. Đó là chưa nói đến về hậu quả của mức nước biển có thể sẽ dâng cao khoảng 0,30 đến 0,90 mét và sự kết hợp giữa nước biển dâng cao và bão lớn đối với vùng bờ biển và hai vùng đồng bằng rộng lớn, nơi có đông dân cư nhất và cũng là nơi nền kinh tế phát triển nhất, nhất là vùng đồng bằng Sông Cửu Long, thành phố Hồ Chí Minh, nơi mà chỉ mới do triều cường vào tháng 10 và 11 vừa qua (2007) đã làm cho gần nửa diện tích thành phố bị ngập nước.
Để phát triển bền vững, trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội trước mắt và lâu dài của toàn đất nước và từng vùng, chúng ta phải sớm đặt vần đề biến đổi khí hậu toàn cầu là nhân tố quan trọng đế cân nhắc một cách nghiêm túc. Trong xây dựng quy hoạch phát triển, chúng ta cũng cần cùng một lúc chú ý cả việc làm giảm nhẹ và phòng chống như đã ghi trong Chương trình nghị sự 21 mà còn cả thích nghi nữa.
Với tính chất nghiêm túc và cấp bách của vấn đề, nhà nước cần sớm tổ chức một cơ quan chuyên trách có đủ năng lực để nghiên cứu về Biến đổi khí hậu toàn cầu và Phát triển bền vững, sớm đề xuất những ý kiến xác đáng, chính xác và khả thi về phát triển kinh tế và xã hội một cách lâu dài trong bối cảnh biến đổi toàn cầu mới, trong đó cần lưu ý đúng mức đến vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học, vốn tài nguyên quý giá của đất nước ta cho sự tồn tại và phát triển của dân tộc một cách bền vững.
Trong lúc chờ đợi những ý kiến về chiến lược, chính sách, quy hoạch mới như nói trên, chúng ta cũng nên rà soát lại những công trình xây dựng dự kiến sắp tới đã phù hợp chưa, nhất là những công trình gần bờ biển, bờ sông, những vùng thấp, trũng, vấn đề quy hoạch dân cư tại các vùng đó. Cũng cần thúc đẩy mạnh hơn việc bảo vệ rừng và trồng rừng, vì các loài sinh vật chỉ có thể chống đỡ được với những sự biến đổi về môi trường khi sinh sống trong một hệ sinh thái ổn định, sử dụng hợp lý đất đai, củng cố và quản lý tốt các khu bảo tồn thiên nhiên, những vấn đề mà hình như chúng ta, kể cả các cấp quản lý chưa quan tâm đúng mức tầm quan trọng của những vấn đề này trong phát triển bền vững, mà còn thiên quá nhiều vào phát triển kinh tế, tăng cường tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm và xoá đói giảm nghèo.
Để mọi việc được thuận lợi, cần sớm tổ chức nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về thảm họa của biến đổi khí hậu toàn cầu dựa trên cơ sở cộng đồng vì công việc chỉ thành công mỗi khi được đa số nhân dân thực hiện một cách tự giác, có hiểu biết và có trách nhiệm.
Võ Quý, 2005
(Theo: mtcongnghiepxanh.com)