Sau đại chiến thế giới II, chủ nghĩa tư bản tự do phát triển mạnh ở các quốc gia phương Tây, với chiến lược khai thác nhanh nguồn tài nguyên không được tái tạo, nhằm có được khoản lợi nhuận khổng lồ trong một thời gian ngắn nhất, sự gia tăng dân số, đặc biệt tại các nước thuộc thế giới thứ III đã tiêu thụ nguồn năng lượng lớn chưa kịp tái tạo. Đây là hai trong số các sự kiện tạo nên động thái mới trên thế giới đương đại: "Khủng hoảng môi trường tự nhiên, đói nghèo, và gia tăng khác biệt xã hội". Thực tế này đòi hỏi phải có một sự điều chỉnh hành vi của con người.
Dựa vào nguồn tư liệu thu thập được, với cách tiếp cận xã hội học, bài viết này trước tiên tổng quan sơ lược tiền đề lịch sử ra đời thuật ngữ "Phát triển bền vững" sau đó đề cập khái niệm "Phát triển bền vững" theo Brundtland, và cuối cùng bàn về khái niệm này qua một số nghiên cứu ở Việt Nam gần đây.
Tiền đề lịch sử
Những ý tưởng hàm ý phát triển bền vững sớm xuất hiện trong xã hội loài người nhưng phải đến thập niên đầu của thế kỷ XX, những hàm ý này mới phát triển, chuyển hoá thành hành động và cao hơn là phong trào xã hội. Tiên phong cho các trào lưu này phải kể đến giới bảo vệ môi trường ở Tây Âu và Bắc Mỹ.
Uỷ ban bảo vệ môi trường Canada được thành lập năm 1915, nhằm khuyến khích con người tôn trọng những chu kỳ tự nhiên, và cho rằng mỗi thế hệ có quyền khai thác lợi ích từ nguồn vốn thiên nhiên, nhưng nguồn vốn này phải được duy trì nguyên vẹn cho những thế hệ tương lai để họ hưởng thụ và sử dụng theo một cách thức tương tự. Trong báo cáo với nhan đề "Toàn thế giới bảo vệ động vật hoang dã", tại Hội nghị Paris (Pháp) năm 1928, Paul Sarasin - nhà bảo vệ môi trường Thuỷ Sĩ đã đề cập đến việc cần phải bảo vệ thiên nhiên.
Mối quan hệ giữa bảo vệ thiên nhiên và sử dụng tài nguyên thiên nhiên cũng là mối quan tâm hàng đầu của các tổ chức quốc tế từ sau đại chiến thế giới II (UNDP, UNESCO, WHO, FAO, và ICSU). Các tổ chức này đã phối hợp chặt chẽ trong việc tìm hiểu diễn biến môi trường tự nhiên, từ đó đưa ra chương trình hành động hướng các quốc gia phát triển theo mô hình bền vững. Năm 1951, UNESCO đã xuất bản một tài liệu đáng lưu ý với tiêu đề "Thực trạng bảo vệ môi trường thiên nhiên trên thế giới vào những năm 50". Tài liệu này được cập nhật vào năm 1954 và được coi là một trong số những tài liệu quan trọng của "Hội nghị về môi trường con người" (1972) do Liên hiệp quốc tổ chức tại Stockholm (Thuỵ Điển) và cũng được xem như là "tiền thân" của báo cáo Brunđtland.
Thập kỷ 70, thuật ngữ xã hội bền vững tiếp tục xuất hiện trong các công trình nghiên cứu của các học giả phương Tây, với công trình của Barry Cômmner "Vòng tròn khép kín" (1971), Herman Daily "Kinh tế học nhà nước mạnh" (1973) và công trình "Những con đường sử dụng năng lượng mềm: về một nền hoà bình lâu dài" của Amory Lovins (1977). Khái niệm phát triển bền vững tiếp tục được đề cập và bổ sung với những đóng góp quan trọng thể hiện trong các tác phẩm của Maurice Strong (1972), và Ignacy Sachs (1975). Đặc biệt khái niệm này được đề cập toàn diện nhất trong công trình của Laster Brown "Xây dựng một xã hội bền vững" (1981).
Đầu thập niên 80, thuật ngữ phát triển bền vững lần đầu tiên được sử dụng trong chiến lược bảo tồn thế giới do Hiệp hội bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên quốc tế, Quỹ động vật hoang dã thế giới và Chương trình môi trường Liên hiệp quốc đề xuất, cùng với sự trợ giúp của UNESCO và FAO. Tuy nhiên. khái niệm này chính thức phổ biến rộng rãi trên thế giới từ sau báo cáo Brundrland (1987). Kể từ sau báo cáo Brundtland, khái niệm bền vững trở thành khái niệm chìa khoá giúp các quốc gia xây dựng quan điểm, định hướng, giải pháp tháo gở bế tắc trong các vấn đề trong phát triển. Đây cũng được xem là giai đoạn mở đường cho "Hội thảo về phát triển và môi trường của Liên hiệp quốc và Diễn đàn toàn cầu hoá được tổ chức tại Rio de Janeiro (1992), và Hội nghị thượng đỉnh thế giới về phát triển bền vững tại Johannesburg (2002).
Phát triển bền vững theo Brundtland
Theo Brundtland: "Phát triển bền vững là sự phát triển thoả mãn những nhu cầu của hiện tại và không phương hại tới khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai. Đó là quá trình phát triển kinh tế dựa vào nguồn tài nguyên được tái tạo tôn trọng những quá trình sinh thái cơ bản, sự đa dạng sinh học và những hệ thống trợ giúp tự nhiên đối với cuộc sống của con người, động vật và thực vật. Qua các bản tuyên bố quan trọng, khái niệm này tiếp tục mở rộng thêm và nội hàm của nó không chỉ dừng lại ở nhân tố sình thái mà còn đi vào các nhân tố xã hội, con người, nó hàm chứa sự bình đẳng giữa những nước giàu và nghèo, và giữa các thế hệ. Thậm chí nó còn bao hàm sự cần thiết giải trừ quân bị, coi đây là điều kiện tiên quyết nhằm giải phóng nguồn tài chính cần thiết để áp dụng khái niệm phát triển bền vững ..
Như vậy, khái niệm "Phát triển bền vững" được. Đề cập trong báo cáo Brundtlanđ với một nội hàm rộng, nó không chỉ là nỗ lực nhằm hoà giải kinh tế và môi trường, hay thậm chí phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Nội dung khái niệm còn bao hàm những khía cạnh chính trị xã hội, đặc biệt là bình đẳng xã hội. Với ý nghĩa này, nó được xem là "tiếng chuông" hay nói cách khác là "tấm biển hiệu” cảnh báo hành vi của loài người trong thế giới đương đại.
Kể từ khi khái niệm này xuất hiện, nó đã gây được sự chú ý và thu hút sự quan tâm của toàn nhân ]oại (các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, đảng phái chính trị, các nhà tư tưởng, các phong trào xã hội, và đặc biệt là giới khoa học với việc làm dấy lên các tranh luận về khái niệm này mà đến nay vẫn chưa ngã ngũ).
Một số quan điềm cho rằng khái niệm "Phát triển bền vững' mới chỉ dừng lại ở cấp độ lý thuyết mơ hồ và phức tạp. Theo chúng tôi, khái niệm này mặc dù mới chỉ dừng lại ở cấp độ lý luận trừu tượng nhưng nó đã có những đóng góp nhất định. Để hiểu rõ khái niệm và khả năng áp dụng của nó ở từng phạm vi hay cấp độ, cần phải định nghĩa và thao tác hoá khái niệm trong khuôn khổ mỗi phạm vi hay cấp độ, khả năng áp dụng và tính phù hợp của khái,niệm này chỉ có thể đo lường thông qua kiềm chứng thực tế.
“Phát triển bền vững” qua một số nghiên cứu ở Việt Nam
Khái niệm “Phát triển bền vững” được biến đến ở Việt Nam vào những khoảng cuối thập niên 80 đầu thập niên 90. Mặc dù xuất hiện ở Việt Nam khá muộn nhưng nó lại sớm được thể hiện ở nhiều cấp độ.
Về mặt học thuật, thuật ngữ này được giới khoa học nước ta tiếp thu nhanh. Đã có hàng loạt công trình nghiên cứu liên quan mà đầu tiên phải kể đến là công trình do giới nghiên cứu môi trường tiến hành như "Tiến tới môi trường bền vững” (1995) của Trung tâm tài nguyên và môi trường, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Công trình này đã tiếp thu và thao tác hoá khái niệm phát triển bền vững theo báo cáo Brundtland như một tiến trình đòi hỏi đồng thời trên bốn lĩnh vực: Bền vững về mặt kinh tế, bền vững về mặt nhân văn, bền vững về mặt môi trường, bền vững về mặt kỹ thuật. "Nghiên cứu xây dựng tiêu chí phát triển bền vững cấp quốc gia ở Việt Nam - giai đoạn I” (2003) do Viện Môi trường và phát triển bền vững, Hội Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam tiến hành. Trên cơ sở tham khảo bộ tiêu chí phát triển bền vững của Brundtland và kinh nghiệm các nước: Trung Quốc Anh, Mỹ, các tác giả đã đưa ra các tiêu chí cụ thể về phát triển bền vững đối với một quốc gia là bền vững kinh tế, bền vững xã hội và bền vững môi trường. Đồng thời cũng đề xuất một số phương án lựa chọn bộ tiêu chí phát triển bền vững cho Việt Nam. "Quản lý môi trường cho sự phát triển bền vững (2000) do Lưu Đức Hải và cộng sự tiến hành đã trình bày hệ thống quan điểm lý thuyết và hành động quản lý môi trường cho phát triển bền vững. Công trình này đã xác định phát triển bền vững qua các tiêu chí: bền vững kinh tế, bền vững môi trường, bền vững văn hóa, đã tổng quan nhiều mô hình phát triển bền vững như mô hình 3 vòng tròn kinh kế, xã hội, môi trường giao nhau của Jacobs và Sadler (1990), mô hình tương tác đa lĩnh vực kinh tế, chính trị, hành chính, công nghệ, quốc tế, sản xuất, xã hội của WCED (1987), mô hình liên hệ thống kinh tế, xã hội, sinh thái của Villen (1990), mô hình 3 nhóm mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường của Worl Bank.
Chủ đề này cũng được bàn luận sôi nổi trong giới khoa học xã hội với các công trình như "Đổi mới chính sách xã hội - Luận cứ và giải pháp" (1997) của Phạm Xuân Nam. Trong công trình này, tác giả làm rõ 5 hệ chỉ báo thể hiện quan điểm phát triển bền vững: Phát triển xã hội, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, phát triển chính trị, tinh thần, trí tuệ, và cuối cùng là chỉ báo quốc tế về phát triển. Trong một bài viết gần đây đăng trên Tạp chí Xã hội học (2003) của tác giả Bùi Đình Thanh với tiêu đề "Xã hội học Việt Nam trước ngưỡng của thế kỷ XXI" tác giả cũng chỉ ra 7 hệ chỉ báo cơ bản về phát triển bền vững: Chỉ báo kinh tế, xã hội, môi trường, chính trị, tinh thần, trí tuệ, văn hoá, vai trò phụ nữ và chỉ báo quốc tế. Nhìn chung các công trình nghiên cứu này có một điểm chung là thao tác hoá khái niệm phát triển bền vững theo Brundtland, tuy nhiên cần nói thêm rằng những thao tác này còn mang tính liệt kê, tính thích ứng của các chỉ báo với thực tế Việt Nam, cụ thể là ở cấp độ địa phương, vùng, miền, hay các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội vẫn chưa được làm rõ.
Thay lời kết
"Phát triển bền vững” có nội hàm rất rộng, mỗi thành tố trong đó đều có một ý nghĩa riêng. Một mẫu hình phát triển bền vững là mỗi địa phương, vùng, quốc gia… không nên thiên về thành tố này và xem nhẹ thành tố kia. Vấn đề là áp dụng nó như thế nào ở các cấp độ trên và trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.
Để chuyển hoá khái niệm phát triển bền vững từ cấp độ lý thuyết áp dụng vào thực tiễn, khái niệm cần được làm sáng tỏ sau đó áp đụng trực tiếp đối với các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.
"Phát triển bền vững” là khái niệm mới ở Việt Nam. Tiến hành xây dựng và thao tác hoá khái niệm này phù hợp với thực tiễn đất nước và bối cảnh thế giới hiện nay sẽ có ý nghĩa quan trọng. Các nghiên cứu khoa học môi trường, khoa học xã hội, trong đó đặc biệt là kinh tế học, xã hội học, và luật học hy vọng sẽ có nhiều đóng góp cho việc hoàn thiện hệ thống quan điểm lý luận về phát triển bền vững ở nước ta trong những thập niên sắp tới.
Phát triển bền vững nhìn từ góc độ xã hội và văn hóa Từ giữa thập niên 80 đến nay, "phát triển bền vững" đã trở thành một ý niệm thời thượng. Nó là khẩu hiệu của hàng trăm tổ chức quốc tế, đề tài của mấy cục hội nghị, hội thảo toàn cầu, và một tiêu chuẩn quan trọng trong chiến lược phát triển của hầu hết mọi nước. Nguyên thủy, nó phản ánh sự quan ngại đối với một số quốc gia muốn tăng trưởng kinh tế vội vã, chọn cách phát triển thiển cận, miễn sao tăng thu nhập hiện tại cho nhanh, mà không để ý đến những nguy hại dài lâu của lối phát triển ấy đến môi trường sinh thái (tàn phá rừng, sa mạc hóa...), đến trữ lượng hữu hạn của tài nguyên thiên nhiên (quặng mỏ, dầu hỏa, khí đốt).
Ý niệm "phát triển bền vững" nhấn mạnh đến khả năng phát triển kinh tế liên tục lâu dài, không gây ra những hậu quả tai hại khó khôi phục ở những lĩnh vực khác, nhất là thiên nhiên. Phát triển mà làm hủy hoại môi trường là một phát triển không bền vững, phát triển mà chỉ dựa vào những loại tài nguyên có thể cạn kiệt (mà không lo trước đến ngày chúng cạn kiệt thì phải làm sao) là một phát triển không bền vững. Có người còn thêm rằng lối phát triển phụ thuộc quá nhiều vào ngoại lực (như FDI) cũng là khó bền vững, vì nguồn ấy có nhiều rủi ro, không chắc chắn. Nói ngắn gọn, phát triển là không bền vững nếu nó thật "nóng" đó không thể giữ lâu, nền kinh tế chóng rơi vào khủng hoảng, hay ít nhất cũng chậm lại trong tương lai.
Không thể chối cãi: "phát triển bền vững" là một ý niệm hữu ích, đáng lưu tâm. Nhưng chỉ để ý đến liên hệ giữa môi trường sinh thái, tài nguyên thiên nhiên, và tăng trưởng kinh tế là chưa khai thác hết sự quan trọng của ý niệm "bền vững". Ý niệm ấy sẽ hữu ích hơn nếu được áp dụng vào hai thành tố nòng cốt khác của phát triển, đó là văn hóa và xã hội.
Phát triển xã hội bền vững
Nhà xã hội học người Mỹ James Coleman (1926 - 95) phân biệt ba loại vốn: vốn vật thể là kết quả của những biến đổi trong con người để cấu thành tài nghệ và khả năng thao tác, và vốn xã hội.
Theo Coleman, "vốn xã hội" có ba đặc tính. Thứ nhất, nó tùy thuộc vào mức độ các thành viên trong xã hội tin cậy nhau. Nói cách khác, nó tùy thuộc vào nghĩa vụ mà mỗi người tự ý thức, và kỳ vọng của người này ở người khác. Thứ hai, nó có giá trị vì nó "gói ghém" những liên hệ xã hội, và những liên hệ này mang đặc tính của kênh truyền thông. Nói rõ hơn: qua liên hệ tiếp xúc với hàng xóm, bạn bè, mỗi người có thể thu thập nhiều thông tin hữu ích cho cuộc sống, thay thế phần nào những phương tiện truyền thông như sách báo, truyền thanh, truyền hình. Thứ ba, vốn xã hội càng lớn nếu xã hội càng có nhiều lề thói (nhất là những lề thói mà người nào không tuân theo sẽ bị trừng phạt).
Chi tiết hơn, Coleman phân biệt vốn xã hội trong gia đình và vốn xã hội trong cộng đồng. Trong mỗi gia đình, con cái có thể lĩnh hội vốn tài chính, vốn con người, và vốn xã hội trong gia đình. Vốn tài chính là do của cải và thu nhập gia đình. Loại vốn này là một nguồn lực vật chất cho các em: sách vở cần thiết, nơi ngồi học thoải mái, và tiền bạc để ứng phó những nhu cầu thường nhật. Vốn con người là phản ánh trình độ văn hóa của cha mẹ, cho con cái một môi trường hiểu biết thông qua học hành. Vốn xã hội (trong gia đình) thì khác, nó tùy thuộc vào mức quan tâm, thời giờ mà cha mẹ dành cho con cái trong những sinh hoạt trí tuệ. Một gia đình dù giàu có (vốn tài chính sung túc), cha mẹ có học vấn cao (vốn con người nhiều), nhưng nếu thờ ơ với con cái (vì quá bận mưu sinh chẳng hạn) thì sẽ nghèo vốn xã hội trong gia đình. Nói gọn, vốn xã hội trong gia đình tùy thuộc vào sự có mặt của phụ huynh, và sự quan tâm của họ đến con cái.
Vốn xã hội trong cộng đồng cũng có một ảnh hưởng quan trọng trong sự phát triển của lớp trẻ. Vốn này nằm trong liên lạc xã hội giữa phụ huynh, và giữa phụ huynh và các thể chế cộng đồng. Ví dụ, nếu cha mẹ học sinh không biết nhau, hoặc nếu gia đình các em thường thay đổi chỗ ở, thì sẽ khó giúp nhau theo dõi sự học hành, canh chừng các sinh hoạt của con em, và vì thế vốn xã hội sẽ yếu đi.
Đi xa hơn Coleman, Francis Fukuyama (tác giả quyền "Điểm Tận của lịch sử" nổi tiếng) cho rằng vốn con người và vốn xã hội có ảnh hưởng lẫn nhau. Cụ thể, theo ông, vốn con người có thể làm tăng vốn xã hội (người có học sẽ ý thức hơn tầm quan trọng của sự lưu tâm đến con cái, và ngược lại, khi con cái được quan tâm thì sẽ cố gắng học hành, trau dồi vốn con người). Song Fukuyama đưa thêm nhận định: không phải loại vốn nào cũng là tốt. Vốn xã hội có thể xấu (băng đảng tội phạm chẳng hạn), vốn vật thể có thể xấu (vũ khí để làm tội ác), vốn con người có thể là xấu (trí tuệ dùng để nghĩ ra những phương pháp hành hạ, tra tấn, dẫn đến diệt chủng).
Như vậy, theo ý niệm vốn xã hội của Coleman và Fukuyama và nhiều người khác nữa, phát triển không đồng thời nuôi dưỡng vốn xã hội là phát triển không bền vững. Dù rằng, như nhà kinh tế Kenneth Arrow (Nobel 1972) đã chỉ rõ, ưu điểm của vốn xã hội là nó không cạn kiệt qua sử dụng, song cái nguy hiểm là loại vốn này dễ bị suy mòn nếu đường lối phát triển là không đúng, và không thể một sớm một chiều tái tạo hay vay mượn nó được. Chính sách phát triển mà chỉ hô hào làm giàu (thậm chí có người cho rằng phải chấp nhận mức độ tham ô nào đó trong giai đoạn tăng tốc phát triển) sẽ hủy hoại tính cộng đồng, làm mất sự tin cẩn lẫn nhau, và do đó làm suy giảm vốn xã hội. Khó nghĩ hơn, hầu như bất cứ phát triển kinh tế nào cũng cần những luồng chảy lao động (dân vùng này đi làm vùng khác) thông thoáng, tuy nhiên sự di cư này sẽ ảnh hưởng trực tiếp (có phần tiêu cực) đến mối quan hệ gắn bó trong gia đình, và do đó tới vốn xã hội. "Phát triển bền vững" đòi hỏi sự đánh đổi tối ưu, ăn khớp, giữa nhiều diễn biến xã hội và kinh tế khác nhau.
Phát triển văn hóa bền vững
Phát triển bền vững đòi hỏi phải phát triển văn hóa,vì đời sống của chúng ta không thể coi là "khá hơn" (theo bất cứ định nghĩa nào, miễn là nhất quán và trung thực) nếu thiếu một nền văn hóa tốt đẹp.
Gần đây, nhiều nhà nghiên cứu kinh tế và xã hội (tiên khởi là nhà xã hội học người Pháp Pierre Bourdieu (1930-2002) cho rằng, muốn hiểu văn hóa như một nhân tố trong đời sống kinh tế, và nhất là muốn đánh giá vai trò của nó trong tiến trình phát triển, thì nên nhìn nó như một loại vốn - tương tự như ba loại vốn thường biết khác. (Đó là: vốn vật thể, như máy móc, thiết bị; vốn con người, như kỹ năng, kiến thức; và vốn thiên nhiên, gồm những tài nguyên do thiên nhiên cống hiến và môi trường sinh thái).
Thêm một bước, có thể phân biệt hai dạng vốn văn hóa: vật thể và phi vật thể. Vốn văn hóa vật thể là gồm những công trình kiến trúc, đèn đài cung miếu, di tích lịch sử, những địa điểm có ý nghĩa văn hóa. Loại vốn này cung cấp một luồng dịch vụ có thể hưởng thụ ngay (chẳng hạn như du lịch), hoặc là "đầu vào" cho sản xuất những sản phẩm và dịch vụ (văn hóa cũng như ngoại văn hóa) trong tương lai. Dạng kia, vốn văn hóa phi vật thể, là những tập quán, phong tục, tín ngưỡng, và các giá trị khác của xã hội. Loại vốn văn hóa này (cùng những nghệ phẩm công cộng như văn chương và âm nhạc) là một loại dây, một thứ keo gắn kết cộng đồng. Nó cũng cung cấp một luồng dịch vụ có thể hưởng thụ ngay, hoặc dùng để sản xuất những sản phẩm văn hóa trong tương lai.
Những nhận xét trên cho thấy một số mối liên hệ giữa văn hóa, kinh tế và phát triển.
Một là, giá trị kinh tế có thể tăng lên nhờ giá trị văn hóa. Lấy ví dụ một ngôi nhà có tính di tích lịch sử. Ngôi nhà ấy có giá trị kinh tế như một kiến trúc (ngụ cư hoặc thương mại), biệt lập với giá trị văn hóa. Song nhiều người sẽ sẵn sàng mua ngôi nhà đó một giá cao hơn giá trị vật thể thuần túy của nó. Hầu như mọi loại vốn văn hóa vật thể đều có thể được nghĩ đến như ngôi nhà lịch sử trong ví dụ, tức là chúng bơm tiêm giá trị văn hóa vào giá trị kinh tế của vật thể, làm tăng thêm, có thể gấp nhiều lần, giá trị của vật thể ấy.
Hai là, vốn văn hóa giúp ta hiểu sâu hơn về ý niệm tính bền vững của phát triển. Đóng góp của nó vào khả năng phát triển dài hạn không khác gì đóng góp của vốn thiên nhiên. Vì môi trường sinh thái đóng vai trò thiết yếu cho hầu hết hoạt động sản xuất cũng như tiêu dùng, bỏ bê môi trường đó, khai thác quá đáng tài nguyên sẽ làm giảm năng suất và phúc lợi kinh tế. Không bảo tồn vốn văn hóa (để di sản đồi trụy, làm mất bản sắc văn hóa dân tộc) cũng có những hậu quả tai hại như vậy.
Hãy nhìn kỹ xem đường lối phát triển hiện tại của ta có hại gì đến văn hóa không? Sự hủy hoại này có thể dễ thấy như sự suy đồi các di tích lịch sử, những cảnh quan thu hút khách du lịch, nhưng nó cũng có thể khó thấy, như sự suy thoái văn chương, nghệ thuật, ngôn ngữ bản xứ. Sự tràn lan của tiếng Anh ngày nay là một thí dụ nổi bật: hiển nhiên sự phổ cập tiếng Anh sẽ có lợi cho thương mại và công nghiệp cần thiết để phát triển, nhưng nó cũng hút đi phần nào sinh lực phát triển của ngôn ngữ và văn chương bản xứ, làm suy giảm vốn văn hóa.
Cái nguy hiểm là, trong cuộc chạy đua phát triển, ta quên đi những giá trị văn hóa dân tộc, và đến một lúc nào đó, nhìn lại thì đã mất nó từ lâu. Nên nói rõ rằng đây không phải chỉ là bảo tồn văn hóa vì cái hay, cái đẹp của nó, nhưng mà giữ gìn tính kế thừa của văn hóa từ thế hệ này sang thế hệ khác, bảo tồn vai trò của nó trong những giai đoạn phát triển về sau. Không có ó thì sự phát triển hôm nay chẳng những què quặt, nhưng còn là một phát triển không bền vững.
Lấy một ví dụ: lối phát triển (trên hầu hết thế giới) hiện nay là nhằm vào tiện nghi, nhưng theo đuổi tiện nghi thường làm mòn đi sự tinh tế thẩm mỹ ("sao cũng được, miễn là tiện lợi" như nhà phê bình mỹ học Virginia Postrel đã nhận xét). Một khi cảm quan thẩm mỹ bị "tầm tầm hóa" thì tính sáng tạo cũng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, và không ai có thể nghi ngờ rằng điều này sẽ làm tốc độ phát triển chậm lại. Nói khác đi, lối phát triển chỉ nhằm tăng tiện nghi sinh hoạt, bất chấp mỹ quan văn hóa, là không bền vững.
Tóm lại, nếu ta khẳng định có một mối liên kết giữa vốn kinh tế, vốn văn hóa và vốn xã hội (trong đó có vốn con người), thì hủy hoại vốn văn hóa và vốn xã hội cũng là hủy hoại vốn kinh tế. Nói cách khác, những mất mát, suy đồi không thể phục hồi của văn hóa và xã hội sẽ đe dọa sự bền vững của phát triển kinh tế.
(Theo: mtcongnghiepxanh.com)