Trong vài thập niên trở lại đây, phát triển bền vững đã trở thành một chủ đề toàn cầu; một xu thế tất yếu, phổ quát mà nhân loại hướng tới trong kỉ nguyên mới. Về nguyên tắc, để vươn tới mục tiêu này, mỗi quốc gia cần hội đủ những điều kiện tạo đà cho phát triển. Trong khi đó, ở Việt Nam, đang tồn tại một khoảng cách giữa mục tiêu đề ra và điều kiện hiện thực để cụ thể hóa mục tiêu ấy. Đây chính là nghịch lí của phát triển bền vững hiện nay. Một phân tích từ góc độ môi trường thể chế sẽ làm sáng tỏ hơn vấn đề.


Phát triển bền vững: từ mục tiêu đến lộ trình

Dù còn nhiều cách hiểu khác nhau về nội hàm khái niệm, các quốc gia trên thế giới đã sớm đi đến đồng thuận khi bàn về mục tiêu của phát triển bền vững. Các Hội nghị thượng đỉnh thế giới về phát triển bền vững (Rio de janeiro 1992, Johannesburrg 2002) đã xác định: phát triển bền vững hướng đến sự kết hợp chặt chẽ, hợp lí, hài hòa giữa ba mặt: phát triển kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.

Là quốc gia tham dự ngay từ đầu vào các diễn đàn, hội nghị và chương trình nghị sự về phát triển bền vững của thế giới, Việt Nam cũng sớm đưa ra quan điểm riêng về động lực của phát triển bền vững. Chương trình nghị sự 21 do Chính phủ Việt Nam ban hành năm 2006 cho biết: “Mục tiêu tổng quát của phát triển bền vững là đạt được sự đầy đủ về vật chất, sự giàu có về tinh thần và văn hóa, sự bình đẳng của các công dân và sự đồng thuận của xã hội, sự hài hòa giữa con người và tự nhiên; phát triển phải kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hoà được ba mặt là phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường” . Nhưng lộ trình nào để đến được bến bờ phát triển bền vững? Việc kiếm tìm lộ trình phát triển bền vững xem ra còn phức tạp hơn nhiều so với công đoạn xác lập mục tiêu.

Nếu xem phát triển bền vững là một trạng thái thì trạng thái ấy chỉ có thể là hệ quả của những điều kiện phát triển tương ứng. Kinh nghiệm quốc tế và khu vực (Đông Á, Đông Nam Á) đã chỉ ra rằng: môi trường khả dĩ cho phát triển là môi trường mà ở đó nhà nước - thị trường và xã hội dân sự với tư cách là ba thể chế cấu thành nên tổng thể xã hội cùng tương tác và bổ trợ lẫn nhau. Kể từ thập niên 80 của thế kỉ trước, người ta đã chỉ ra tính chất quan hệ cộng sinh, đa chiều giữa ba thể chế này, từ đó đi đến trả lời câu hỏi về vai trò của xã hội dân sự trong bối cảnh phát triển nói chung. Phủ nhận quan điểm cực đoan của chủ nghĩa tự do khi cố tình vạch ra một vực thẳm ngăn cách giữa xã hội dân sự với nhà nước, đặt xã hội dân sự “nằm ngoài nhà nước”, nhiều học giả tiến bộ đã chỉ ra mối quan hệ tương hỗ, biện chứng giữa xã hội dân sự với nhà nước và thị trường. Học giả người Pháp, Danièle Lochak phân tích: “Hẳn nhiên, không phải tất cả mọi chuyện đều mang tính chất chính trị, nhưng chính trị là một chiều kích cấu thành nên các cộng đồng con người, thấm nhiễm vào toàn bộ đời sống xã hội, kể cả đời sống hàng ngày của chúng ta, và do đó sẽ là hão huyền nếu có tham vọng tách nó riêng ra khỏi những cái khác. Vì không thể vạch ra được cái ranh giới ấy, nên việc định nghĩa xã hội dân sự như toàn bộ các mối quan hệ phi chính trị là một định nghĩa sai lầm về mặt khái niệm” . Cũng vậy, theo GS. Cao Huy Thuần: “Cho rằng xã hội dân sự cứ tồn tại ở mức tự túc, tự quản là tự huyễn hoặc mình và huyễn hoặc người, nếu không phải là nuôi ý định xây dựng quốc gia trong quốc gia như các tổ chức tôn giáo vẫn có trong đầu. Xã hội dân sự có thể tự chủ, nhưng giữa nó và xã hội chính trị phải có qua có lại nếu muốn nói dân chủ … Hễ nhà nước yếu thì xã hội dân sự cũng yếu, không đủ sức chế ngự, kiểm soát, vận động tiến lên dân chủ [từ] một tập thể bát nháo, hỗn loạn. Ngược lại, hễ xã hội dân sự mạnh, nó tham gia chính trị, nó làm vững chắc nhà nước, nó tạo tính chính đáng cho nhà nước, nó thúc đẩy nhà nước dân chủ” . Như vậy, cả lí thuyết lẫn thực tiễn quốc tế đều xác nhận rằng: phát triển bền vững chỉ có thể thành hiện thực khi nó cắm rễ trên một môi trường thể chế cân đối, lành mạnh, hài hòa.

Nghịch lí của phát triển bền vững ở Việt Nam

Ở Việt Nam, để thực hiện các mục tiêu của phát triển bền vững, chính phủ đã đề ra ba chiến lược: nâng cao năng lực quản lí của nhà nước, huy động nguồn lực toàn dân (bao hàm lực lượng doanh nghiệp) và hợp tác quốc tế. Rõ ràng, ba chiến lược này có đề cập đến các thể chế vừa được dẫn ra ở trên: nhà nước - thị trường. Ở đây, “lực lượng toàn dân” gồm “các nhóm chính trong xã hội” có thể qui vào phạm trù xã hội dân sự, mặc dù khái niệm này không được đích danh gọi tên: phụ nữ, thanh thiếu niên, nông dân, công nhân và công đoàn, đồng bào các dân tộc ít người, giới trí thức và các nhà khoa học . Như vậy, công bằng mà nói, tư duy phát triển của Việt Nam, xét trên hai khía cạnh mục tiêu và lộ trình đề ra, đều không đi ngược nhận thức chung của thế giới.

Tuy nhiên, từ lí tưởng đề ra đến tình hình thực tiễn lại là một câu chuyện khác. Bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận, quá trình thực hiện phát triển bền vững ở Việt Nam đang gặp không ít trở ngại. Trong đó, như nhiều chuyên gia đã phân tích, vấn đề nổi cộm hiện nay là: tăng trưởng kinh tế chưa song hành với an sinh xã hội và môi trường. Dữ kiện thực tế buộc chúng ta phải đặt câu hỏi về tính khả hữu của điều kiện phát triển, trước hết và chủ yếu là môi trường thể chế - đòn bẩy của mọi kế hoạch phát triển. Có thể nói, những hệ lụy của phát triển bền vững hiện nay trực tiếp bắt nguồn từ sự mất cân đối trong môi trường thể chế. Tình trạng mất cân đối thể hiện ở chỗ: trong khi Đảng - nhà nước vẫn tiếp tục là lực lượng quản trị tuyệt đối, trong khi thể chế thị trường đã có một không gian nhất định để vận hành thì xã hội dân sự vẫn chưa có một môi trường phát triển thuận lợi. Mặc dù công cuộc Đổi mới đã chứng kiến quá trình tái sinh của “một khuôn mặt xã hội dân sự mới” , đến nay, xã hội dân sự vẫn chưa được đặt dưới sự bảo trợ của một khung pháp lí thực sự toàn diện, minh bạch để vươn lên. Thậm chí, trong một chừng mực nào đó, khái niệm xã hội dân sự đang bị xem là phạm trù “nhạy cảm”, “phức tạp”. Sự mất cân đối của môi trường thể chế tạo ra tình thế bất tương (irrelevance) giữa mục tiêu đề ra và điều kiện hiện thực của phát triển bền vững. Đó là nghịch lí của phát triển bền vững trong bối cảnh Việt Nam.

Phát triển xã hội dân sự để thúc đẩy phát triển bền vững

Nghiên cứu lịch sử Việt Nam cho thấy, xã hội dân sự là một hiện thực không hề xa lạ. Đặc biệt, từ sau Đổi mới, các tổ chức dân sự đã đóng một vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng đất nước. Xã hội dân sự trở thành lực lượng trung gian năng động góp phần khỏa lấp những khoảng trống chức năng mà nhà nước, thị trường không thể bao hết khi đối diện với những vấn đề phát triển: môi trường, y tế, giáo dục, bất bình đẳng xã hội, cải cách hành chính … Trong bối cảnh mới, khi phát triển bền vững đặt ra hàng loạt thách thức - những thách thức thường xuyên đặt nhà nước trước tình trạng quá tải và bất lực, thì vai trò phản biện, giám sát, hỗ trợ của xã hội dân sự càng được chứng thực hơn nữa.

Mới đây, Nghị quyết đại hội XI của Đảng và thông điệp đầu năm 2011 của Thủ tướng chính phủ đều đặt ra vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế và phát triển bền vững. Những quyết sách này một lần nữa chứng tỏ quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu đã đề ra về phát triển bền vững. Tuy nhiên, chỉ khi nào tình trạng mất cân đối của môi trường thể chế được khắc phục thì phát triển bền vững mới có nền tảng và tiền đề để hiện thực hóa. Nói khác đi, chỉ khi nào xã hội dân sự trở thành một lực lượng đồng đẳng, chính danh bên cạnh nhà nước và thị trường thì phát triển bền vững mới thực sự là động lực kích thích các lực lượng xã hội tăng trưởng và tỏa sáng. Thêm nữa, khi phát triển bền vững được Đảng và nhà nước khẳng định là hướng đi tất yếu, chiến lược của dân tộc thì nhu cầu hóa giải nghịch lí ấy càng trở nên rốt ráo, cấp bách hơn bao giờ hết.

Đặng Hoàng Giang - Viện tư vấn phát triển (CODE)

Nguồn: www.chungta.com

(Theo: mtcongnghiepxanh.com)