Ngành Công nghiệp môi trường ở Việt Nam mặc dù chưa chính thức hình thành nhưng đã và đang có những đóng góp tích cực không chỉ cho bảo vệ môi trường mà còn hứa hẹn như một ngành kinh tế với nhiều tiềm năng phát triển.

Ngành công nghiệp môi trường (CNMT) ở Việt Nam dẫu còn nhỏ bé nhưng đã xuất hiện trên các trang thông tin và thống kê quốc tế với xuất phát điểm là các công ty vệ sinh (nay là Công ty Môi trường đô thị - URENCO).

Đây là hệ thống các doanh nghiệp Nhà nước, có từ rất sớm hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ công chuyên thu gom, vận chuyển xử lý chất thải và vệ sinh đô thị. Đến nay hệ thống các công ty môi trường đô thị đã phát triển ở hầu hết các tỉnh/thành với doanh thu hàng năm lên đến nhiều ngàn tỷ đồng.



Tổ hợp xử lý nước thải tập trung

Theo kết quả điều tra của Dự án “Điều tra hiện trạng ngành công nghiệp môi trường, đề xuất giải pháp nhằm phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách công nghiệp tiến hành trong các năm 2006-2007 trên phạm vi 20 tỉnh, đã thống kê được khoảng trên 2000 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực môi trường.

Trong đó, ngoài các công ty URENCO của các tỉnh/thành phố còn có các doanh nghiệp tư nhân cả trong nước và nước ngoài, các hình thức liên doanh, liên kết. Quy mô của các công ty cũng tăng rất nhanh, trong đó một số công ty có doanh số lên đến 1000 tỷ VNĐ/năm.

Các lĩnh vực hoạt động cũng không ngừng được mở rộng không chỉ môi trường đô thị, mà còn phát triển rất nhanh sang khu vực doanh nghiệp, khu công nghiệp, kiểm soát ô nhiễm, tái chế và quản lý tài nguyên, sản xuất thiết bị, công nghệ.

Hoạt động môi trường của Việt Nam đang dần trở nên chuyên môn hoá sâu, mang tính công nghiệp với các doanh nghiệp chuyên sản xuất và cung ứng dịch vụ trên tất cả 3 lĩnh vực dịch vụ, sản xuất thiết bị công nghệ và quản lý tài nguyên.

Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, ngành CNMT ở Việt Nam vẫn chưa thực sự phát triển do gặp nhiều trở ngại. Một là do nhận thức của doanh nghiệp về bảo vệ môi trường chưa cao, nhiều doanh nghiệp không tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, do đó chưa tạo thành động lực quan trọng để công nghệ, dịch vụ môi trường được phát triển. Hệ quả là, chưa có nhiều nhà đầu tư sản xuất thiết bị, công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường.

Hai là hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về BVMT chưa đầy đủ, chưa đồng bộ; các chế tài xử phạt chưa đủ mạnh để bắt buộc mọi người dân, tổ chức phải tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường.

Các cơ chế, chính sách khuyến khích thì chưa rõ ràng, chưa đủ hấp dẫn để thu hút đầu tư vào phát triển công nghiệp môi trường. Nhà nước chưa có định hướng cụ thể để phát triển lĩnh vực công nghiệp này.

Mặt khác, uy tín của các nhà cung cấp công nghệ, thiết bị và dịch vụ trong nước chưa đủ thuyết phục. Đội ngũ các nhà khoa học và công nghệ môi trường còn yếu và thiếu, đặc biệt là chuyên gia có trình độ cao, nhiều kinh nghiệm.

Trước tình hình đó, được sự ủng hộ của Chính phủ và các Bộ ngành hữu quan, Bộ Công Thương và Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công nghiệp đã chủ trì Triển lãm và Hội thảo Quốc gia về Sản phẩm & Công nghệ thân thiện môi trường - Vietnam EFProtech 2009 diễn ra từ 17 - 20/03/2009, tại Trung tâm Triển lãm Giảng Võ, Hà Nội.

Hi vọng rằng, đây sẽ là dịp để các nhà khoa học về công nghệ môi trường trong nước được giới thiệu các sản phẩm mới của mình tới công chúng cũng như học hỏi giao lưu vì mục tiêu phát triển ngành công nghiệp môi trường trước sức ép lớn về tác động môi trường.hiện nay ở Việt Nam.

Lan Hương – Dân trí

(Theo: mtcongnghiepxanh.com)