Vòng đời của sản phẩm (Product Life Cycle) là thời gian sản phẩm tồn tại trên thị trường, kể từ khi nhà phát hành giới thiệu sản phẩm cho đến giai đoạn thoái trào khi sản phẩm không còn đem lại nhiều lợi nhuận cho nhà phát hành và dần không đáp ứng được các nhu cầu của thị trường. Việc cải thiện vòng đời sản phẩm không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho nhà phát hành mà còn góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ môi trường trước các tác động từ quá trình sản xuất.
 
 
Một trong những giải pháp cải thiện vòng đời sản phẩm được nhiều doanh nghiệp nổi tiếng trên thế giới áp dụng đó là sản xuất sạch hơn, bao gồm việc thay đổi những nguyên liệu đầu vào thân thiện hơn với môi trường; cải tiến thiết bị và tái sử dụng hoặc tái chế nguyên liệu đầu ra.
 
Hiện nay, những sản phẩm mang nhãn hiệu “sạch” và “thân thiện với môi trường” luôn được khách hàng tin dùng bất kể trong ngành sản xuất nào. Giải pháp về sản xuất sạch hơn không chỉ rút ngắn thời đoạn giới thiệu sản phẩm (Introduction Stage) đến khi sản phẩm có chỗ đứng ổn định trên thị trường (Maturity Stage) mà còn kéo thời đoạn này nhờ tái chế và tái sử dụng.
 
Mặt khác, chi phí cho nguyên liệu đầu vào và chi phí để xử lý phế phẩm của doanh nghiệp cũng được tiết kiệm. Đồng thời, việc áp dụng giải pháp sản xuất sạch hơn cũng giúp cơ sở sản xuất hạn chế một lượng lớn khói bụi và khí thải gây hiệu ứng nhà kính và hạn chế tác nhân gây biến đổi khí hậu.
 
Việc cải tiến thiết bị và đổi mới công nghệ là nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm cũng như thương hiệu của doanh nghiệp, từ đó quyết định vòng đời của sản phẩm. Đầu tư công nghệ hiện đại có thể giúp doanh nghiệp tăng năng suất, giảm tiêu hao nguyên nhiên liệu đồng thời hướng tới sản xuất bền vững và thân thiện hơn với môi trường.
 
Hiện nay, tại một số nước phát triển đã có nhiều dự án khảo sát năng lượng, nhiên liệu tiêu thụ cũng như lượng chất thải sau sử dụng và phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính trên mỗi tấn sản phẩm túi sử dụng một lần hay nhiều lần với những chất liệu như polyethylene, polypropylene, túi giấy. Kết quả cho thấy loại túi có tác động ít nhất đến môi trường bao gồm những đặc tính: có thể tái sử dụng nhiều lần, làm từ nhựa có thể tái chế được và trọng lượng phải nhẹ nhất có thể.
 
Trước đây, nhiều doanh nghiệp dệt nhuộm khi hoàn tất vải thành phẩm thường sử dụng nhiều loại hóa chất chứa formandehyde hay azo có khả năng gây hại cho da cũng như tác động xấu đến sức khỏe người sử dụng. Hiện nay, loại hóa chất không chứa formandehyde hay azo được đưa vào sử dụng thay thế trong công đoạn xử lý – nhuộm – in – hoàn tất vải.
 
Tóm lại, việc nghiên cứu và thực hiện những cải thiện, thay đổi trong vòng đời sản phẩm không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn đối với người lao động và bảo vệ môi trường mà còn góp phần xây dựng hình ảnh và uy tín của doanh nghiệp trên thị trường.

(Theo: mtcongnghiepxanh.com)